Khuyến khích Doanh nghiệp Tham gia khai thác Dịch vụ du lịch Đường sắt tuyến qua Quảng Nam

Tin Quảng Nam   10:49, 09-07-2024, 126 lượt xem
✶✶✶✶✶

Ngành du lịch Quảng Nam đang tích cực bắt nhịp xu thế du lịch đường sắt, chuẩn bị các điều kiện để nối dài hành trình đoàn tàu “Kết nối di sản miền Trung”. Với mục tiêu mở rộng tuyến đường sắt từ các tỉnh, thành phố như Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng đến Quảng Nam, điểm dừng tại ga Trà Kiệu trở thành một lựa chọn tối ưu, không chỉ vì hạ tầng hiện có mà còn bởi giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc của địa phương.

Cơ quan quản lý du lịch địa phương vừa có buổi làm việc với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cùng các doanh nghiệp du lịch vào ngày 17/6, nhằm thúc đẩy du lịch đường sắt tại Quảng Nam. Kết quả từ tuyến tàu di sản Huế - Đà Nẵng, sau ba tháng hoạt động, đã khẳng định những hiệu quả tích cực, tạo động lực để mở rộng thêm các tuyến khác.

Tuyến đường sắt Bắc Nam hay đường sắt Thống Nhất qua Quảng Nam dài 91,5km, với 8 ga gồm: Nông Sơn, Trà Kiệu, Phú Cang, Tam Thành, An Mỹ, Tam Kỳ, Diêm Phổ và Núi Thành. Trong đó, các ga Trà Kiệu, Tam Kỳ và Núi Thành là những điểm đón trả khách chính. Ga Trà Kiệu không chỉ là đầu mối giao thông quan trọng mà còn là cửa ngõ kết nối các điểm du lịch nổi tiếng như Hội An và Mỹ Sơn, với khoảng cách chưa đầy 25km.

Để phát huy tối đa tiềm năng du lịch của Trà Kiệu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đề xuất nhiều giải pháp cụ thể. Đầu tiên là xây dựng kế hoạch phát triển điểm đến tại Trung tâm Thánh mẫu Trà Kiệu, biến nơi đây thành một trong những điểm đến quan trọng của tuyến du lịch kết nối Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và các điểm đến khác. Cùng với đó, việc quy hoạch khu dịch vụ phục vụ du khách, bao gồm: bãi đỗ xe, quầy bán hàng lưu niệm, các sản phẩm văn hóa, đặc sản OCOP địa phươngđiểm ẩm thực đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng được chú trọng.

Sở cũng đề nghị xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc với “câu chuyện” về kinh thành Simhapura của vương quốc Champa, gắn liền với Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn. Để thu hút du khách, cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến điểm đến, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp du lịch để xây dựng các tour kết nối các điểm đến trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Công tác đào tạo nguồn nhân lực hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa Chămpa và quản lý du lịch cũng được ưu tiên nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ và sự an toàn cho du khách.

Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, sở hiện định hướng và thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào du lịch theo các hướng sau:

- Tour doanh nghiệp đường thủy ngược dòng Thu Bồn từ Hội An lên đến làng Đại Bình, Hòn Kẽm đá dừng, qua Mỹ Sơn, Trà Nhiêu…
- Tour về Thánh mẫu Trà Kiệu, khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất linh thiêng này.
- Tour hành trình di sản miền Trung, kéo dài tour đường sắt từ Huế - Đà Nẵng thành Đồng Hới - Trà Kiệu, tạo điều kiện cho du khách khám phá nhiều điểm đến di sản trong một hành trình.

Trong cuộc họp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, các bên liên quan đã thống nhất về kế hoạch mở rộng tuyến tàu di sản “Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam”, phục vụ khách du lịch đến Quảng Nam. Chuyến tàu di sản này không chỉ mang lại trải nghiệm du lịch độc đáo mà còn tạo điều kiện cho du khách khám phá các địa danh lịch sử, văn hóa của miền Trung. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hỗ trợ kết nối với các đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh, nhằm mở rộng tour du lịch kết nối ga Trà Kiệu với các điểm đến như Hội An, Mỹ Sơn và các khu vực lân cận.

Để triển khai hiệu quả các kế hoạch này, VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam kêu gọi các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, ẩm thực, sản phẩm OCOP và quà lưu niệm, tích cực tham gia khai thác các dịch vụ trên tàu. Việc xây dựng các chương trình du lịch bằng phương tiện tàu hỏa và khai thác tuyến ga Trà Kiệu - Mỹ Sơn, Hội An, cùng với các combo trọn gói vé tàu, khách sạn, vận chuyển và tour tham quan, sẽ là bước đột phá trong phát triển du lịch đường sắt tại Quảng Nam.

Những bước đi cụ thể này hứa hẹn sẽ không chỉ làm giàu thêm trải nghiệm du lịch cho du khách mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, khẳng định vị thế của Quảng Nam trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

 

Bình luận